|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Hương Lâm là một trong số ít các xã có nhiều di tích nhất trên địa bàn huyện. Toàn xã có 13 di tích, trong đó 01 di tích cấp Quốc gia (Đình Hương Câu) và 12 di tích cấp tỉnh, cụ thể như sau:

* Đình Nga Trại:

Đình Nga Trại tạo lạc ở trên một khu đất rộng đẹp, thoáng đãng ở phía Tây của làng Nga Trại, xã Hương Lâm. Đình nhìn về hướng Tây. Phía trước đình là cánh đồng lúa ngô màu mỡ. Phía sau đình là khu dân cư.  Bên cạnh đình Nga Trại còn có chùa nga trại tạo nên một quần thể di tích lớn.

Đình Nga Trại- một ngôi đình có lịch sử từ lâu đời với quy mô bề thế. Đình có đầy đủ các hạng mục công trình như: Nghi môn, tiền tế, đại đình. Bố cục mặt bằng đình được làm theo lối tiền nhất (-) hậu đinh (T). Toà tiền tế 3 gian 2 chái, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch chỉ. Toà đại đình gồm tiền đình 3 gian 2 dĩ, hậu cung 2 gian 1 dĩ. Kết cấu khung gỗ trong đình được làm theo kiểu thức truyền thống, đơn giản không chạm khắc cầu kỳ.

Trong đình lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: kiệu bát cống, bộ bát bửu, hương án sơn thếp, ngai thờ bài vị, bình hương, sập, hoành phi, câu đối, hệ thống sắc phong, văn tế…. Qua nguồn tư liệu Hán Nôm còn lại trong di tích cho biết, đình Nga Trại tôn thờ đức thánh Cao Sơn – Quý Minh.

* Chùa Nga Trại:

Cùng trong khuôn viên với đình Nga Trại có chùa Nga Trại tạo nên quần thể di tích đình chùa liên hoàn vốn rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Chùa Nga Trại có lịch sử từ thời Lê thế kỷ XVIII. Khi đó chùa có quy mô lớn gồm các toà tiền điền, thượng điện bố cụ theo lối chữ nhị (=). Trải qua thời gian mưa nắng và chiến tranh tàn phá, chùa không còn nguyên vẹn như xưa. Hiện nay chùa được xây dụng lại với quy mô lớn. Toà tiền đường 7 gian, thượng điện 3 gian gắn kết với nhau theo lối bố cục hình chữ đinh (T). Chùa được xây theo lối bình đầu bít đốc, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch bổ 30x30cm. Hệ thống khung gỗ chịu lực được kết cấu theo lối thượng con chồng giá chiêng, hạ kẻ chàng. Nghệ thuật chạm khắc trong chùa được làm đơn giản, bào trơn đóng bén không cầu kỳ tinh xảo. Bên trong chùa có bài trí hệ thống tượng Phật tương đối đầy đủ và được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Đình, chùa là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn của nhân dân Nga Trại. Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng, dân làng lại long trọng mở hội tại trung tâm đình chùa Nga Trại thu hút rất đông người đến tham dự. Trong ngày hội có nhiều trò chơi dân gian và hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ đặc sắc.

* Chùa Hạc Lâm:

Chùa Hạc Lâm còn có tên gọi là chùa Già Đề. Chùa nằm ở trung tâm của làng Hạc Lâm. Đây là ngôi chùa cổ có lịch sử từ thời Lê và đã qua nhiều lần tu sửa lớn. Hiện chùa gồm có các hạng mục như: tiền đường 3 gian, thượng điện 1 gian, nhà mẫu 4 gian, nhà khách 3 gian. Toà tiền đường xây bình đầu bít đốc. Bên trong, hệ thống khung gỗ được kết cấu theo kiểu thượng con chồng, hạ kẻ. Nghệ thuật chạm khắc trang trí đơn giản. Trong chùa hệ thống tượng Phật được bài trí tương đối đầy đủ theo quy chuẩn. Trước sân chùa có cây hương đá thời Lê (niên hiệu Vĩnh Khánh) có nghệ thuật trang trí đẹp. Nội dung cây hương ghi lại việc dựng cây hương và ghi tên những người có lòng công đức làm việc thiện.

*  Đình Hạc Lâm:

Đình Hạc Lâm còn có tên gọi là đình Hược Lâm. Đình toạ lạc ở trung tâm của làng Hạc Lâm, xã Hương Lâm. Đây là ngôi đình cổ, có lịch sử từ thời Lê thế kỷ XVIII. Cùng khuôn viên với đình còn có ngôi chùa Hạc Lâm tạo nên bố cục “tiền thần hậu phật” vốn rất quen thuộc với người dân Kinh Bắc. Hiện đình có quy mô bề thế gồm đại đình 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong. Tường đình xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Bên trong, hệ thống khung gỗ gồm 4 vì kết cấu theo kiểu con chồng giá chiêng, cốn mê. ở các đầu dư đều có chạm lộng hình đầu rồng. Nghệ thuật trang trí trong đình được làm rất cầu kỳ công phu mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVII). ở hậu cung đình có đặt 3 ngai thờ, 3 bài vị và các đồ thần khí khác. Đặc biệt trong đình còn lưu giữ được hệ thống sắc phong, ngọc phả, văn tế và 4 tấm bia đá ghi việc lập hậu thần ở đình. Tấm bia có niên đại sớm nhất và nghệ thuật trang trí đẹp nhất ở đình là vào năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766). Qua các nguồn tư liệu Hán Nôm trong đình cho biết, đình Hạc Lâm tôn thờ các vị Đô Giang, Linh Quang và Diên Bình Minh Thục công chúa. Đó là các vị thần tướng có nhiều công lao trong việc đánh tan quân giặc bảo vệ quê hương đất nước. Hội đình tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng với nhiều trò chơi dân gian và các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo.

* Lăng Quân cụng Nguyễn Thế Lai:

Thờ Nguyên Trung Hầu Nguyễn Thế Lai. Lăng đặt theo hướng Tây Nam, riêng phần nội lăng chiếm 240 m2. Lăng toạ lạc ngay cùng khu dân cư và chia làm hai phần: khu thờ tự và khu mộ. Lăng hiện do dòng họ Nguyễn Thế trông nom bảo vệ.

* Chùa Nội Hưuong:

Ngôi chùa Nội Hưuong còn có tên gọi là chùa Nội Bói. Chùa gồm có toà tiền đường 3 gian 2 chái xây bình đầu bít đốc. Toà thượng điện 2 gian, gắn kết với toàn tiền đường theo bố cục hình chữ đinh (T). Hệ thống khung gỗ chịu lực của chùa được làm đơn giản theo lối thượng con chồng đấu kê, hạ kẻ ngồi. Trong khuôn viên chùa còn có nhà tổ, nhà mẫu là nơi thờ các vị sư tổ và các vị thánh mẫu.

* Đình Nội Hương:

Đình Nội Hưuong cũng có tên gọi là đình Nội Bói. Đình tôn thờ đức thành Tam Giang. Đây là ngôi đình có lịch sử từ lâu đời. Trong kháng chiến chống pháp đình bị phá dỡ không còn nguyên vẹn. Hoà bình lập lại, đình được khôi phục lại làm nơi thờ thánh, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Hiện đình ggồm tiền tế 3 gian 2 chái, hậu cung 3 gian. Bên trong, hệ thống khung gỗ được kết cấu theo kiểu thức thượng con chồng giá chiêng, hạ cốn chồng, cốn kê ngồi. Trong đình có nhiều hiện vật và đồ thờ có giá trị.

* Đình Phúc Linh:

Thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh và Quý Phi phu nhân. Đình Phúc Linh còn có tên gọi là đình Chiêng, đình Am. Đình nằm trên một khuôn viên rộng đẹp ở làng Phúc Linh. Đình có lịch sử từ rất lâu đời. Trong chiến tranh đình cũ đã bị tàn phá không còn nguyên vẹn. Gần đây, với tấm lòng tưởng nhớ đến vị thánh đã có nhiều công lao với dân làng cùng lòng hảo tâm công đức của những người con quê hương, đình Phúc Linh được khôi phục lại với quy mô lớn. Đình gồm tiền tế  3 gian gắn kết với hậu cung 3 gian theo lối bố cục hình chữ đinh (T). Kết cấu khung chịu lực được làm theo kiểu thức truyền thống. Trong đình có nhiều tài liệu hiện vật có giá trị như: hoành phi, câu đối, ngai thờ, bát bửu, chấp kích, sập thờ, mâm xe, nhang án và những đồ thờ khác…. Đặc biệt trong đó có hệ thống sắc phong cổ thời Nguyễn là nguồn di sản văn hoá vật thể quý giá trong tàng di sản văn hoá dân tộc.

Hội đình được tổ chức vào ngày 24 tháng 2 âm lịch. Trong hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống tốt đẹp thu hút rất đông khách thập phương đến tham dự hội.

* Chùa Phúc Linh:

Chùa Phúc Linh còn được gọi theo tên chữ là chùa Linh Quang và gọi theo tên Nôm là chùa Chiêng. Chùa toạ lạc trên cùng khuôn viên với đình Phúc Linh tạo nên một quần thể di tích “tiền thần hậu phật” vốn rất quen thuộc với người dân xứ Bắc. Chùa Phúc Linh còn được gọi theo tên chữ là chùa Linh Quang. Đây là một ngôi chùa cổ có lịch sử từ thời Lê nhưng đã qua nhiều lần tu sửa. Công trình chùa hiện nay là sản phẩm mang đặc trưng của triều Nguyễn. Chùa gồm có các hạng mục công trình như: tam quan, tiền đường, thượng điện và nhà khách.

Trong chùa có bài trí hệ thống tượng Phật tương đối đầy đủ và quy chuẩn. Hội chùa được tổ chức vào ngày 24 tháng 2 âm lịch

* Đình Tiên Sơn:

- Đình Tiên Sơn thờ Đức thánh Tam Giang. Đây là ngôi đình có lịch sử từ rất lâu đời. Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, đình cũ đã bị phá dỡ trong kháng chiến chống Pháp. Ngôi đình mới được xây dựng lại gồm toà tiền tế 5 gian, xây theo kiểu bình đầu bít đốc. Toà hậu cung 1 gian nhỏ gắn kết với tiền tế theo lối bố cục hình chữ đinh (T). Kết cấu kiến trúc trong các toà tiền tế hậu cung ở đình đều rất đơn giản không cầu kỳ tinh xảo.

* Đình Đông Lâm:

Đình Đông Lâm toạ lạc trên một khu đất rrộng ở ngay rìa làng Đông Lâm. Đình quay nhìn về hướng Tây. Trước cửa đình là ngòi Hát Giang (nay gọi là ngòi Con Đầm). Xung quanh đình là cánh đồng màu mỡ. Đình Đông Lâm - một ngôi đình cổ có lịch sử từ thời Lê và có hệ thống kiến trúc nghệ thuật đẹp. Đây có thể coi là một trong những ngôi đình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của huyện Hiệp Hoà. Đình có quy mô bề thế với một toà đại đình 3 gian hái chái gắn kết với một hậu cung nhỏ nửa gian theo lối bố cục hình chữ đinh (T). Toàn bộ ngôi đình được kết cấu theo kiểu thượng con chồng, hạ kẻ cốn với 6 hàng chân cột gỗ lim chắc khoẻ.

Trong đình hiện còn bảo lưu nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị gioúap ích cho việc nghiên cứu về lịch sử, phong tục tập quấn, về mảnh đất và con người nơi đây như: hoành phi, câu đối, sắc phong, kiệu thờ, ngai thờ, bài vị, hương án cùng nhiều đồ thờ khác…. Qua nguồn di sản Hán Nôm ở đình cho biết, đình Đông Lâm thờ 3 vị Linh Quang, Đô Giang và Diên Bình công chúa. Đó là những người có nhiều công lao trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn độc lập dân tộc. Hàng năm vào ngày 12 tháng 8 âm lịch, đình Đông Lâm trở thành trung tâm tổ chức lễ hội lớn với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc thu hút rất đông người đến tham dự.

* Chùa Đông Lâm:

Chùa Đông Lâm toạ lạc trên một khu đất rộng đẹp ở rìa làng Đông Lâm. Chùa còn có tên gọi là chùa Linh Sơn. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII với một quần thể kiến trúc gồm: Toà tam bảo 5 gian 2 chái xâu bình đầu bít đốc; Toà thượng điện 3 gian, nhà tăng 8 gian, nhà mẫu 3 gian. Trước cửa chùa là khu vườn rộng có nhiều cây cổ thụ quanh năm toả bóng mát. Trước sân chùa có một ngôi tháp gạch. Sân chùa lát gạch bát và dựng một cây hương đá có niên hiệu Chính Hoà thứ 25 (1704). Các vì mái toà tam bảo được kết cấu theo kiểu thượng con chồng, giá chiêng, hạ kẻ chàng. Trong toà tam bảo, hệ thống tượng phật được bài trí tương đối đầy đủ với gần 40 pho. Tất cả những pho tượng ở chùa đều dược sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Chùa Đông Lâm nằm trên khu di chỉ khảo cổ học Đông Lâm đã được Viện khảo cổ phát hiện và kkhai quật vào năm 1968 và khai quất lớn vào tháng 11/2002.

Chùa Đông Lâm là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân trong cùng từ xưa đến nay. Hàng năm hội chùa được tổ chức định kỳ với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian độc đáo.

* Đình Hương Câu:

Đình Hương Câu được xây dựng từ thế kỷ XVII, gồm tòa Đại bái 3 gian 2 chái 2 dĩ bề thế, các bờ nóc, bờ chải có dãi hoa chanh, đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, các vì kèo có kết cấu thượng con chồng khít vào nhau, được chạm lộng như rồng ổ, tiên cưỡi rồng, lưỡng long tranh châu, long vân dự hội, tiên múa…

Thôn Hương Câu có chùa Diên Khánh và chùa Ngọc Hiên. Chùa Diên Khánh còn được gọi là chùa Cả được xây dựng từ thời nhà Lê sau đó được tu sửa vào năm chính hòa thứ 4 (1683), Bảo Thái thứ 6 (1725), Gia Long thứ 13 (1814), Minh Mệnh thứ 4 (1823), Ngọc Hiên được gọi là chùa Hiên được xây dựng năm 1700.

Song song với các di tích đình, chùa, miếu…ở xã còn có các công trình kiến trúc nhà thờ công giáo. Ngoài hệ thống đình, chùa, lăng tẩm, ở Hương Lâm còn có các miếu, điếm, nghè, nhà thờ họ … tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng góp phần phản ánh đời sống tinh thần của người dân Hương Lâm.

Thông báo Thông báo

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,780
Tổng số trong ngày: 41
Tổng số trong tuần: 95
Tổng số trong tháng: 1,001
Tổng số trong năm: 6,589
Tổng số truy cập: 24,607